Họp trực tuyến UBND tỉnh phiên thường kỳ tháng 5

- Ngày 20-5, UBND tỉnh họp trực tuyến phiên thường kỳ tháng 5-2021 với 10 điểm cầu với các sở, ngành và các huyện.

Đồng chí Nguyễn Văn Sơn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì cuộc họp. Dự họp tại điểm cầu UBND tỉnh có các Phó Chủ tịch UBND tỉnh, lãnh đạo các sở, ngành, các huyện, thành phố.

Toàn cảnh cuộc họp. Ảnh: Việt Hòa

Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Sơn nhấn mạnh, 3 nhiệm vụ quan trọng cần phải thực hiện ngay là: các ngành, huyện, thành phố ưu tiên, tập trung cao nhất cho công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19; phát huy sức mạnh của hệ thống chính trị, toàn dân thực hiện đồng bộ các biện pháp, truy vết, tầm soát tất cả nguồn lây nhiễm để ngăn ngừa dịch bệnh; biểu dương, khen thưởng những địa phương, đơn vị, cơ quan làm tốt, phê bình, kiểm điểm các địa phương lơ là, chủ quan trong công tác phòng, chống dịch bệnh.

Tính đến sáng ngày 20-5, toàn tỉnh trên 600 người đi làm việc trở về địa phương, trong đó có 254 người về từ các nhà máy, công ty đã có dịch. Giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh, UBND tỉnh thống nhất, cách ly tập trung đối với những người đi từ vùng dịch về.

Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu, các địa phương phối hợp chặt chẽ với ngành Y tế, Công an giám sát công tác cách ly, nếu các điểm cách ly quá tải có thể tính đến phương án sử dụng các trường học để làm nơi cách ly, bởi dịch bệnh đang diễn biến hết sức phức tạp.

Tiếp tục chuẩn bị kỹ lưỡng và tổ chức thành công cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp vào ngày 23-5 tới; đẩy mạnh hơn nữa công tác thông tin tuyên truyền về cuộc bầu cử, đồng thời chủ động phương án ứng phó với tình hình dịch bệnh để cử tri được thực hiện quyền lợi của mình an toàn nhất; Ủy ban Bầu cử tỉnh, các cơ quan chức năng sẵn sàng phương án để giải đáp vướng mắc trong bầu cử.

Tổ chức tốt các giải pháp phát triển kinh tế - xã hội, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, đảm bảo chất lượng, tiến độ, an toàn; thường xuyên kiểm tra, tháo gỡ kịp thời những khó khăn vướng mắc trong quá trình thực hiện, mục tiêu đặt ra là khó khăn ở đâu, tháo gỡ ở đó để đẩy nhanh tiến độ. Đây là căn cứ để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của người đứng đầu cơ quan, đơn vị.

Lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phát biểu tại cuộc họp. Ảnh: Việt Hòa

Trong khuôn khổ buổi sáng, các đại biểu đã được nghe dự thảo Nghị quyết của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển lâm nghiệp bền vững tỉnh Tuyên Quang giải đoạn 2021-2030, định hướng đến năm 2035; Tờ trình về xây dựng Nghị quyết của HĐND tỉnh về cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản hàng hóa; sản phẩm OCOP và xây dựng nông thôn mới trên địa bàn; Kế hoạch phát triển hợp tác xã nông, lâm nghiệp, thủy sản trên địa bàn giai đoạn 2021-2025.

Kết luận các nội dung về phát triển lâm nghiệp bền vững và cơ chế chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản hàng hóa; sản phẩm OCOP và xây dựng nông thôn mới, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh đánh giá cao dự thảo Nghị quyết và đề án. Đồng chí lưu ý, ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp thu các ý kiến, bổ sung hoàn chỉnh dự thảo Nghị quyết, đề án trong đó phải nhấn mạnh đến mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững là giải pháp quan trọng phát triển kinh tế-xã hội, bảo vệ môi trưởng, đảm bảo biến đổi khí hậu, an ninh nguồn nước; mở rộng diện tích rừng được cấp chứng chỉ FSC; nghiên cứu xem xét các cơ chế chính sách, đặc biệt là chính sách hỗ trợ cây giống; chính sách cây lâm sản ngoài gỗ; chính sách trồng rừng gỗ lớn; chính sách dịch vụ môi trường rừng; giao rừng cho các chủ rừng để bảo vệ và phát triển rừng hiệu quả; xây dựng lực lượng kiểm lâm đủ mạnh làm nòng cốt trong công tác bảo vệ rừng.

Về tờ trình xây dựng Nghị quyết của HĐND tỉnh về cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản hàng hóa; sản phẩm OCOP và xây dựng nông thôn mới trên địa bàn, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu, ngành chuyên môn rà soát lại các chính sách liên quan về nông nghiệp, tránh trùng lặp, chồng chéo để phát huy hiệu quả của Nghị quyết khi đi vào cuộc sống.

Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh giao trách nhiệm cho ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, huyện, thành phố thực hiện tiêu chuẩn hóa những sản phẩm tiềm năng; nâng cấp các sản phẩm OCOP đạt tiêu chuẩn 4 sao lên 5 sao và đến năm 2025, tất cả các xã, phường, thị trấn phải có ít nhất 1 sản phẩm OCOP. Ngoài ra phải quan tâm hơn nữa đến việc phát triển thương hiệu, cải tiến mẫu mã, bao bì sản phẩm hiện đại để tiếp cận các cửa hàng tiện dụng.

Báo Tuyên Quang online tiếp tục cập nhật nội dung phiên họp buổi chiều.

Đoàn Thư

Tin cùng chuyên mục